[ad_1]
“Bà Hỏa” luôn rình rập
Theo thống kê của Cục cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) chỉ trong tháng 9 vừa qua, cả nước đã xảy ra 138 vụ cháy, làm chết 39 người và bị thương hơn 30 người, thiệt hại tài sản ước tính bằng tiền lên đến gần 15 tỷ đồng. Trong số này, có tới 54 vụ là cháy nhà dân hoặc chung cư.
Trong khi đó, dạo nhanh qua các mặt báo cũng có thể thấy, chỉ trong 2 tháng 9 và 10 vừa qua, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã liên tục xảy ra những lần “bà hỏa” hỏi thăm các tòa nhà. Chẳng hạn, hôm 25/9, tại khu chung cư NOCT (Nam Từ Liêm, Hà Nội), một thanh niên từ Đồng Nai ra thăm bạn gái rồi nảy sinh mâu thuẫn. Giận người yêu, anh này bèn đốt tủ quần áo của cô gái. Ngọn lửa bùng lên, khiến cảnh sát phải điều động 8 xe cứu hỏa tới để dập tắt đám cháy.
Hoặc tối 24/10, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại tầng 9 của chung cư CT13B Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) vào lúc ở căn hộ này đang tổ chức tiệc. Sau nửa tiếng can thiệp, cảnh sát đã khống chế hoàn toàn vụ cháy và giải cứu thành công 12 người. Tương tự là hồi tháng 9 vừa qua, tại tầng 8 của một khu chung cư trên đường Kinh Dương Vương (TP Hồ Chí Minh) cũng khiến cư dân ở đây hoảng loạn. Bởi nhiều người Sài Gòn vẫn chưa quên vụ cháy kinh hoàng ở chung cư Carina hồi năm 2018 khiến 13 người thiệt mạng.
Những con số và ví dụ kể trên cho thấy, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập các khu chung cư. Có nhiều lý do dẫn tới thảm họa, nhưng quan trọng nhất là ý thức của mỗi cá nhân và những đơn vị vận hành tòa nhà. Người dân thì tùy tiện bỏ qua rất nhiều quy định an toàn cháy nổ, chẳng hạn như lắp tủ bếp che cả hộp báo khói, đỗ xe ngay cạnh chỗ đốt vàng mã, vứt tàn thuốc vào nhà rác, không tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà lâu ngày…v.v. Còn đơn vị quản lý thì nhiều nơi yếu kém, không trang bị đầy đủ nghiệp vụ và phương tiện chữa cháy cho nhân viên.
5 bảo bối cứu mạng
Như chúng tôi đề cập ở phần trên, nguy cơ cháy nổ phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố khách quan nên mỗi cư dân cũng nên tìm cách tự bảo vệ chính mình. Bên cạnh việc tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy thì các gia đình cần trang bị các dụng cụ thoát hiểm, sinh tồn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Dưới đây là 6 “bảo bối” mà của Onehousing khuyên các bạn nên có sẵn trong nhà.
1/Mặt nạ chống khói, phòng độc
Đây có thể xem như trang bị phòng cháy quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân. Bởi lẽ, đa số những trường hợp thiệt mạng ở các vụ hỏa hoạn đều có nguyên nhân từ việc ngạt khói hoặc hít phải khí độc. Do đó, những gia đình sống tại các khu chung cư nên chuẩn bị sẵn cho mỗi thành viên một chiếc mặt nạ chống khói, phòng độc. Mặt nạ có phần đầu được làm bằng vật liệu chống cháy, có kính trong suốt đủ rộng để quan sát, bên ngoài phủ lớp màng bạc nhôm để ngăn bức xạ nhiệt đồng thời cũng tạo phản quang để nhân viên cứu hộ dễ dàng nhận ra người bị nạn. Bầu lọc khí của mặt nạ có tầng lọc chất độc làm bằng than hoạt tính, tầng lọc khói bằng chất liệu sợi siêu mịn, lỗ thông khí làm bằng cao su mềm, độ kín tốt và bền.
Mỗi chiếc mặt nạ đảm bảo lọc khí độc trong khoảng 30-40 phút, cung cấp thời gian quý giá để người đeo thoát hiểm. Có thể mua sản phẩm này ở hầu hết các cửa hàng bảo hộ lao động với giá thành không quá đắt, chỉ khoảng từ 150-200 nghìn đồng/chiếc. Việc sử dụng cũng rất đơn giản, chỉ cần nhìn theo hướng dẫn trên vỏ hộp là có thể nắm rõ.
2/Chăn chống cháy
Chăn (hoặc mền) chống cháy còn gọi là chăn dập lửa, tấm dập lửa hoặc chăn cứu hỏa được làm bằng vải bạt chịu nhiệt hoặc vải thủy tinh chịu nhiệt, có thể chống chọi được nhiệt độ từ 500-700 độ C. Chăn có thể quấn vào người để thoát khỏi đám lửa hoặc dùng làm tấm chữa cháy nhằm dập lửa, phủ lên đám cháy mới phát sinh, chống cháy lan sang các khu vực và thiết bị khác.
Tương tự như mặt nạ chống khói, phòng độc thì chăn chữa cháy cũng có thể dễ dàng mua được tại các cửa hàng bán trang bị bảo hộ lao động hoặc phòng cháy chữa cháy. Giá của sản phẩm cũng không cao, chỉ dao động trong khoảng vài trăm nghìn tùy vào kích thước. Với mức giá này, chúng ta hoàn toàn có thể sắm cho mỗi thành viên trong gia đình một chiếc.
3/Thang dây thoát hiểm
Trang bị này cũng hết sức cần thiết khi bạn sống ở nhà cao tầng, nhất là những nơi mà độ cao của thang cứu hỏa chưa thể với tới. Với thang dây thoát hiểm, giá cả dao động từ hơn 1 triệu tới 7-8 triệu một bộ tùy vào độ dài, chất liệu và khả năng chịu lực.
Thang sẽ gồm các bộ phận: dây thang làm bằng cáp thép hoặc sợi dây dù amiang chống cháy, chịu lực; thanh bậc thang làm bằng kim loại, có khả năng chịu lực, chống ăn mòn; bát móc dùng để cố định đầu móc thang với tường, hạn chế đung đưa và xoắn thang; móc khóa an toàn được làm bằng hợp kim có khóa chốt; bu-lông nở dùng để bắn vào tường nếu cần thiết.
Ròng rọc thoát hiểm (hay còn gọi là thang dây thoát hiểm hạ chậm) thì hữu dụng cho trường hợp có người già và trẻ nhỏ, không thể leo trèo được. Ròng rọc có thành phần gồm: bộ điều tốc để điều chỉnh tốc độ rơi của người sử dụng, làm bằng thép không gỉ, chịu lực tốt; móc treo tường, gồm có móc treo gắn vào hộp giảm tốc và giá treo có thể cố dịnh trên tường; bộ dây cáp lõi thép được bọc sợi tổng hợp chống cháy; đai an toàn.
Trang bị này có tính an toàn cao, chỉ cần treo hộp giảm tốc vào tường, rồi đeo đai vào người và ném dây cáp xuống đất là có thể đu người đáp xuống đất một cách nhẹ nhàng. Giá của những bộ ròng rọc cũng sẽ tùy thuộc vào thương hiệu, tải trọng và độ dài của dây.
4/Búa thoát hiểm và đèn pin chống cháy
Đây là hai trang bị có thể xem như combo cơ bản để nạn nhân thoát khỏi hoàn cảnh mắc kẹt. Đó là lý do nhiều hãng sản xuất đã cho ra đời các sản phẩm búa thoát hiểm gắn thêm đèn pin chống cháy.
Búa thoát hiểm được thiết kế có khả năng tạo ra lực đập lớn ở đầu nhọn để người dùng phá được cửa kính, dao cắt ẩn ở cán búa để giúp cắt các loại dây và đầu dẹt của búa có thể dùng như một chiếc búa thông thường. Bề mặt búa cũng chứa huỳng quang, dễ dàng tìm thấy trong bóng tối.
Đèn pin chống cháy có loại dùng đèn led, có loại dùng ánh sáng vàng để chiếu qua làn khói, được thiết kế chống thấm nước, chống sốc và thường có độ sáng tiêu chuẩn là 200 lux. Đa số các loại đèn này đều có thể sạc được và có thời gian chiếu sáng lên đến cả chục giờ.
5/Bình chữa cháy mini
Đây là trang bị mà chung cư nào cũng được các chủ đầu tư bố trí tới từng tầng. Nhưng có thêm một bình chữa cháy mini trong nhà là điều không hề thừa. Tuy nhiên, cần biết rằng có nhiều loại bình chữa cháy khác nhau và mỗi loại lại hữu dụng với những các đám cháy khác nhau. Cụ thể như sau:
Bình chữa cháy bọt: Sử dụng cho các đám cháy gây ra bởi các vật liệu hữu cơ khác nhau bao gồm gỗ, than, vải, giấy cùng những chất lỏng dễ cháy bao gồm xăng và sơn. Nhưng loại bình này không được sử dụng cho các đám cháy do kim loại dễ cháy và đám cháy có liên quan đến thiết bị điện.
Bình chữa cháy bột khô: Sử dụng cho các đám cháy gây ra bởi các vật liệu hữu cơ khác nhau bao gồm gỗ, than, vải và giấy cũng như các đám cháy do chất lỏng dễ cháy bao gồm xăng và sơn và khí dễ cháy. Nhưng loại bình này không được sử dụng cho các đám cháy liên quan đến thiết bị điện trên 1000 V và đám cháy liên quan đến dầu ăn.
Bình chữa cháy C02: Dùng để đối phó với các đám cháy chất lỏng như cháy xăng dầu hay cháy chất rắn hóa lỏng, cháy khí và chuyên dùng để dập tắt các đám cháy thiết bị điện.
Lời khuyên sau cùng của OneHousing: Với các trang bị chữa cháy, bạn cần đặc biệt lưu ý xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đặc biệt là chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy chữa cháy (TCVN 3890: 2021). Bởi nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng với những “bảo bối” này thì cái giá phải trả gần như chắc chắn là mạng sống của chúng ta.
[ad_2]
https://onehousing.vn/thong-tin-va-doi-song/5-bao-boi-phai-co-de-bao-ve-gia-dinh-khoi-hoa-hoan-tai-chung-cu