[ad_1]
Theo Lisa Kanarek, tác giả cuốn sách “Thiết lập văn phòng tại nhà để thành công”, khi không bị giới hạn bởi môi trường công ty, bạn có thể tạo ra một không gian truyền cảm hứng để làm việc hiệu quả và sáng tạo. “Mục tiêu là thiết kế một nơi bạn mong muốn được làm việc mỗi ngày mà việc di chuyển tới đó chỉ… mất vài giây”, Lisa Kanarek chia sẻ trên tờ New York Times.
Không gian làm việc thoải mái là quan trọng, nhưng đối với một số người (đặc biệt là người Á Đông), phong thủy quan trọng hơn. Theo bà Judith Wendell – người sáng lập Sacred Currents, một công ty tư vấn phong thủy có trụ sở tại Manhattan (Mỹ), giới kinh doanh châu Á rất coi trọng việc bố trí góc làm việc tại nhà. Vị trí ngồi, màu sắc và chất liệu đồ nội thất đều phải tuân theo những quy luật phong thủy để tránh tai họa và tối đa hóa tài lộc.
Từ Đông sang Tây, có thể thấy không gian làm việc tại gia là một phần rất quan trọng, phải được ứng xử đặc biệt. Dưới đây là những lưu ý mà OneHousing tổng hợp từ thực tiễn cũng như qua ý kiến các chuyên gia về chủ đề này.
Lựa chọn vị trí phù hợp
+ Yên tĩnh: Đối với không gian làm việc tại nhà, một điều tối quan trọng là khu vực dành cho nó phải yên tĩnh. Có một căn phòng riêng thì quá tuyệt vời. Nhưng nếu căn hộ của bạn không đủ rộng, hãy chọn nơi đặt bàn làm việc cách xa tối đa không gian ồn ào trong nhà, ví như nhà bếp, phòng ăn, phòng khách hay gần cửa ra vào. Rất khó tĩnh tâm làm việc nếu xung quanh bạn thường xuyên phát sinh tiếng ồn hoặc có những hoạt động gây mất tập trung như ăn uống, phim ảnh…
+ Kết nối không gian và thể hiện vị thế chỉ huy: Yên tĩnh là cần thiết. Nhưng điều đó không có nghĩa là nên quá biệt lập. Không gian làm việc vẫn cần có sự kết nối với phần còn lại. Do đó, nó cũng phải trôi chung dòng chảy thẩm mỹ, chung ngôn ngữ thiết kế với tổng thể căn hộ. Để chuyển tiếp không gian, bạn nên tính đến những phương án như: dùng vách ngăn nhẹ với thiết kế tinh tế nhằm giảm cảm giác nặng nề; sử dụng giá sách, kệ để đồ làm vách ngăn hoặc bố trí những chậu cây cảnh lớn, vừa tạo điểm nhấn cho không gian, vừa có tác dụng như một vách ngăn hữu cơ với phần còn lại.
Nơi đặt bàn làm việc cũng cần thể hiện được vị thế của chủ nhân và mang lại cảm giác được trao quyền. Các nhà thiết kế khuyên bạn nên hướng tới “vị trí chỉ huy”, tức là nơi cho phép bạn nhìn thấy cửa trước mà không cần đối diện trực tiếp với nó, hoặc phải có tầm nhìn bao quát cả căn phòng.
Vị trí ngồi của chủ nhân cũng nên có điểm tựa. Đó có thể là bức tường, tủ tài liệu hay kệ sách. Cách bố trí này tạo cảm giác được bảo vệ, tự tin và đem lại năng lượng tích cực. Dưới quan điểm phong thủy, chỗ ngồi có điểm tựa sẽ khiến gia chủ dễ gặp quý nhân phù trợ.
Vị trí ngồi không được khuyến khích là quay mặt vào tường. Nhìn chằm chằm vào một bức vách suốt nhiều tiếng đồng hồ khó có thể xem là cách thích hợp để tạo cảm hứng cho công việc. Nó cũng đem lại cảm giác bất an cho người ngồi do không kiểm soát được khoảng trống phía sau lưng. Nếu quay mặt vào tường là lựa chọn duy nhất, hãy đặt một chiếc gương nhìn ra không gian để có thể quan sát được mọi thứ.
Bàn làm việc cũng phải ở vị trí thuận lợi cho việc bố trí các thiết bị điện tử. Dù hiện nay kết nối không dây rất phổ biến nhưng bên cạnh một chiếc laptop, bạn có thể vẫn cần thêm máy in, máy scan, bộ sạc… để phục vụ công việc. Sẽ thật tuyệt vời nếu tất cả chúng đều gần nguồn điện, đều nằm trong tầm với của chủ nhân nhưng lại xa lối đi và khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.
+ Hợp phong thủy: Nếu có niềm tin vào phong thủy thì điều quan trọng nhất với bạn là hướng của bàn làm việc. Như mọi không gian khác, hướng ngồi cần hợp với mệnh của gia chủ. Có nhiều quan điểm, nhưng về cơ bản vị trí ngồi cần tuân theo nguyên tắc gia chủ thuộc Đông tứ mệnh sẽ hợp với các hướng Đông, Đông Nam, Nam, Bắc; thuộc Tây tứ mệnh sẽ hợp các hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc và Đông Bắc.
Các chuyên gia cũng lưu ý không gian làm việc không nên đặt dưới dầm nhà hoặc có những góc nhọn vì nó có ý nghĩa đè nén hoặc phá hủy, mang lại xui xẻo. Trong trường hợp bắt buộc ngồi dưới dầm, ít nhất khoảng không gian phía trên cần được che giấu bằng trần thạch cao. Còn nếu phải chọn khu vực ngồi có góc nhọn, hãy bố trí những vật phẩm phong thủy như quả cầu đá, bình gốm, chậu cây, bức bình phong hay tủ, kệ… để hóa giải.
Ánh sáng và màu sắc phù hợp
+ Nhiều ánh sáng tự nhiên và gió: Ánh sáng tự nhiên không chỉ đem lại khả năng quan sát tốt, giúp tiết kiệm điện năng mà theo phong thủy, nó còn đại diện cho tính dương, cho sự sinh sôi nảy nở. Một góc làm việc có nhiều ánh sáng, thông thoáng sẽ giúp gia chủ tăng thêm tài lộc, gặp được may mắn và xua đuổi năng lượng tiêu cực. Do đó, nếu có thể hãy bố trí bàn làm việc ở gần cửa sổ, đặc biệt là nếu nơi này cung cấp cho bạn một tầm nhìn khoáng đạt, tươi tắn.
Ánh sánh nhân tạo phải khoa học và đúng chuẩn: Với nguồn sáng nhân tạo, nên lựa chọn hình thức chiếu sáng gián tiếp để có được ánh sáng hài hòa, tránh lóa và mỏi mắt khi làm việc. Theo QCVN 22/2016/BYT, độ sáng hiệu quả đối với phòng làm việc vào khoảng từ 300 – 500 lux (lux là đơn vị đo sáng, sẽ được thể hiện trên bao bì đèn). Các chuyên gia thường sẽ khuyên bạn chọn độ sáng 400 lux là hợp lý. Nên chọn đèn led panel có chao chụp phản quang hay đèn led âm trần (đèn downlight) để tăng cường độ sáng, độ đồng đều khi phân bố ánh sáng.
Màu sắc quyết định cảm xúc: Luôn có nhiều lựa chọn màu sắc khác nhau và quan điểm khác nhau về việc này. Nếu dựa trên góc nhìn phong thủy, màu sắc cho khu vực làm việc tại gia một lần nữa nên tuân theo quy tắc ngũ hành tương sinh, theo mệnh của gia chủ. Chọn màu hợp mệnh là cách đem lại tâm lý tự tin và tinh thần lạc quan về công việc, sự nghiệp.
Còn dưới góc độ tâm lý học hiện đại, màu sắc sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cảm xúc của bạn. Chọn quá nhiều màu sắc có thể tạo ra cảm giác bề bộn, mệt mỏi vì rối mắt. Trong khi đó, gam màu sáng sẽ khiến không gian như rộng hơn. Màu trầm phù hợp với tâm lý chỉn chu, hợp với những người cần sự tỉnh táo, bình tĩnh. Màu ấm, nóng lại làm bạn cảm thấy phấn khích, hứng khởi hơn khi làm việc.
Chọn bàn ghế phù hợp
+ Công thái học là yếu tố hàng đầu: Do không gian làm việc tại gia vốn hạn chế về diện tích và đôi khi là sự tận dụng những “khoảng trống” trong nội thất tổng thể nên việc chọn bàn ghế cần chú ý đến công năng và sự tiện lợi. Dù bạn có thể ngồi ở đâu, vẫn có một số nguyên tắc cơ bản cần ghi nhớ. Dưới đây là những gì các chuyên gia công thái học lưu ý khi bố trí bàn ghế cho khu vực làm việc tại gia:
+ Bàn tay của bạn phải đặt trên bàn phím, với cẳng tay về cơ bản là phẳng và khuỷu tay uốn cong ở một góc vuông.
+ Lưng của bạn phải được hỗ trợ và hơi ngả – khoảng 15 độ so với đường thẳng.
+ Bàn chân của bạn phải đặt trên mặt đất, với đầu gối của bạn uốn cong càng gần 90 độ càng tốt. Với thiết lập này, tốt nhất hãy mạnh tay chi tiền mua những chiếc ghế có thể điều chỉnh góc nghiêng và độ cao, với tựa lưng mềm và chân đế di chuyển được.
+ Sau đó, đến màn hình máy tính. Toàn bộ tư thế của bạn sẽ liên quan đến vị trí của màn hình. Nếu bạn dùng laptop, nghĩa là có thể điều chỉnh góc nhìn linh hoạt, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu bạn dùng desktop, cần phải nghiêm túc xem xét chiều cao của màn hình. Màn hình đặt quá thấp, bạn sẽ phải ngả người về phía trước và sớm hay muộn sẽ bị đau lưng. Hãy bố trí sao cho đỉnh màn hình máy tính cao hơn tầm mắt của bạn chừng 10 cm.
+ Vật liệu phù hợp
Có rất nhiều loại vật liệu dùng để thiết kế bàn ghế, tủ kệ cho khu vực làm việc. Nhưng chọn chất liệu nào thường sẽ do 2 yếu tố quyết định: một là nội thất tổng thể của căn phòng và hai là niềm tin phong thủy.
Nếu bạn chọn nội thất tổng thể là những vật liệu công nghiệp như thép không gỉ, gỗ MDF, Acrylic hay Laminate, bàn ghế làm việc cũng nên tương đồng. Nếu bạn chọn ngôn ngữ thiết kế hiện đại, khu vực làm việc kiểu cổ điển, với những món đồ theo phong cách phục hưng sẽ là thảm họa của sự kết hợp. Ngược lại, phong cách Á Đông với đồ gỗ tự nhiên, kiểu dáng cổ truyền của nội thất tổng thể cũng không đi đôi được với khu vực làm việc gồm toàn những món đồ mang không khí thời đại.
Về mặt phong thủy, bạn cũng nên chọn chất liệu theo nguyên tắc ngũ hành tương sinh. Theo đó, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy và Thủy sinh Mộc. Vòng tròn khép kín ấy sẽ dẫn tới những gợi ý như: người mệnh Hỏa hợp với đồ Mộc, người mệnh Kim nên dùng nhiều đồ gốm sứ, người mệnh Thủy lại được khuyên dùng nhiều kim loại và người mệnh Mộc nên bố trí thêm bể cá, gương soi vì đấy các món đồ thuộc hành Thủy.
Làm theo được đến đâu còn tùy vào điều kiện và mức độ tin tưởng của mỗi người vào quan niệm phong thủy. Nhưng như bất cứ bài viết tư vấn nào, thông điệp của OneHousing một lần nữa vẫn là: những công sức và tài chính dành cho không gian sống của gia đình bạn là khoản đầu tư chỉ có lãi chứ chẳng bao giờ lỗ vốn.
[ad_2]
https://onehousing.vn/thong-tin-va-doi-song/bo-tri-phong-lam-viec-tai-nha-dung-tiec-tien-cho-khong-gian-kiem-tien-cua-ban