[ad_1]
Trong những năm gần đây, triết lý “Càng đơn giản, càng gọn đẹp” ngày càng được các gia chủ ưa chuộng, phần vì sự thay đổi trong lối sống đang ngày càng hướng con người ta tới những giá trị sống cốt lõi và nguyên bản nhất, cắt bỏ những cầu kỳ và rườm rà ra khỏi căn nhà của mình. Song nhìn vậy nhưng tối giản trong phong cách thiết kế, hay xa hơn là lối sống, không đơn giản như vẻ ngoài. Nó không phải sự giảm tiện đồ đạc, thiếu thốn nội thất, chắc chắn cũng không phải sự tiết kiệm đến tằn tiện, gia chủ cần phải hiểu đúng trước khi áp dụng tối giản căn nhà cho đẹp và hiệu quả.
Vậy phong cách tối giản là gì?
Với châm ngôn “Less is more” – một tuyên ngôn được KTS huyền thoại Lugwid Mies Van Der Rohe đưa ra từ đầu thế kỷ, tối giản là giữ cho không gian đơn giản, không lộn xộn, tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc trong những góc cạnh vốn có của không gian. Sự đơn giản trong tối giản không đồng nghĩa với việc cắt giảm tính tiện ích, không phải để phục vụ phong cách tối giản mà bạn sẽ bỏ đi sự thoải mái của một cái sofa to để thay bằng những cái ghế đơn nhỏ. Mọi đồ vật đều được chọn lọc thông qua công dụng và độ phù hợp với nhu cầu của gia chủ và không gian. Tối giản là một quá trình sàng lọc để tinh giản cuộc sống của mình, không phải là gò ép giản tiện quá mức.
Phong cách tối giản có những đặc trưng gì?
- Về bảng màu: Phong cách tối giản thường áp dụng những bảng màu trung gian cơ bản. Đen, trắng, xám, be,… là những lựa chọn nổi trội. Tuy nhiên điều đó không giới hạn lựa chọn màu chủ đạo của gia chủ. Gia chủ có thể lựa chọn những màu chủ đạo bên ngoài phổ cơ bản với lối pha màu cũng nghiêng về phong cách đơn sắc với độ chuyển nhẹ nhàng, không ưa các màu đối chọi. Kể cả đồ nội thất cũng được lựa chọn ăn khớp với bảng màu trong nước sơn và chất liệu.
- Về không gian: Xét về mặt tổng thể, không gian tối giản phải đảm bảo sự giản đơn gọn gàng xuyên suốt, giản lược rườm rà chi tiết trong thiết kế nội thất. Những vách kính lớn với chiều cao thông thủy mạnh mẽ sẽ đem đến hiệu quả thu hút. Lựa chọn nội thất cũng phải tránh xa phong cách nhiều sự diêm dúa dư thừa như Phục hưng hay Tân Cổ điển. Thay vào đó hãy sử dụng những khối hình học đơn giản, tối giản đường nét. Để vẫn tiện ích và đảm bảo thoải mái về mặt công năng, bạn hãy tham khảo những sản phẩm thiết kế module thông minh và sáng tạo, dễ dàng gập mở thay đổi, thêm không gian tích trữ trong khi vẫn tiết kiệm diện tích và đảm bảo thẩm mỹ.
- Về ánh sáng: Như đã nói, phong cách tối giản hạn chế sử dụng màu sắc, vậy nên kiểm soát là một nhân tố quan trọng trong thiết kế. Làm sao để vừa đạt được hiệu ứng thẩm mỹ và thị giác trong khi vẫn tuân theo quy luật không rườm rà dư thừa của phong cách là một đề bài khó; tuy nhiên nhiều gia chủ đã chọn cách sử dụng nguồn sáng tự nhiên và lợi dụng hiệu ứng bóng đổ để đạt được hiệu quả. Trong khi cách làm trên tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của hình khối kiến trúc căn nhà, sử dụng nguồn sáng nhân tạo một cách chọn lọc sẽ nhấn mạnh được vào nội thất. Ý kiến từ chuyên gia: thay vì sử dụng hệ thống đèn trần có thể phá hỏng phong cách của cả căn phòng, phân loại nguồn sáng và thực sự tính toán những vị trí cần chiếu sáng trong phòng, cân bằng và tối ưu cả nguồn sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.
- Về vật liệu và nội thất: Bạn sẽ sớm nhận biết phong cách tối giản sử dụng khá nhiều những chất liệu tự nhiên và nguyên bản. Bề mặt bê tông trần, cốp pha gỗ, gỗ tự nhiên, đá nhám,… là những chất liệu đem đến hiệu quả thị giác tuyệt vời. Kết hợp với những vật liệu này cũng phải tiết giảm tối đa trong chi tiết nội thất. Những yếu tố ngang bằng, rõ ràng hình khối được sử dụng rất phổ biến.
Phong cách tối giản không phải phong cách hiện đại
Nếu không phân biệt kỹ càng, rất nhiều gia chủ sẽ nhầm lẫn giữa hai lối phong cách thiết kế: Hiện đại và Tối giản. Về cơ bản, những điểm tương đồng giữa hai phong cách này nằm ở sự tiện giản trong đường nét thiết kế, với những hình khối rõ ràng, gọn gàng ít chi tiết, tận dụng chất liệu đơn thuần, nguyên bản và tinh giản trong khi cũng sử dụng nhiều ánh sáng tự nhiên.
Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản nằm ở cảm giác giữa hai phong cách thiết kế: Phong cách Hiện đại tạo nên những khẳng định cứng cáp hơn nhiều với những chất liệu kim loại, đá, bê tông/giả bê tông và những hình khối cơ bản nhiều sắc cạnh; trong khi phong cách Tối giản có sự linh hoạt hơn, tối đa hóa những khoảng trống trong không gian và ứng dụng những chất liệu mang tính mềm mại hơn.
[ad_2]
https://onehousing.vn/thong-tin-va-doi-song/cam-nang-phong-cach-kien-truc-minimalism