Thứ năm, Tháng mười 10, 2024
Trang chủTIN TỨC“Chẩn đúng bệnh, kê đúng thuốc, uống đúng lúc”

“Chẩn đúng bệnh, kê đúng thuốc, uống đúng lúc”

Rate this post

Giải pháp cho thị trường bất động sản: “Chẩn đúng bệnh, kê đúng thuốc, uống đúng lúc”

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, Tổ công tác của Chính phủ sẽ sớm có các giải pháp mang tính đột phá trình lên cấp có thẩm quyền nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường bất động sản.





Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sinh. (Ảnh: VGP)

Thuốc tốt nhưng phải đúng lúc mới cứu được người 

Vừa mới trở về sau chuyến làm việc dài ngày tại phía Nam theo chương trình của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết đã “thực mục sở thị” nhiều dự án, tận mắt thấy khó khăn của các doanh nghiệp ngành này. Theo ông Sinh, thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng lúc, từ tín dụng, trái phiếu, pháp lý, tác động tiêu cực đến sản xuất – kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai các dự án, nhiều nhà thầu phải cho công nhân nghỉ việc.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo, giao cho các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp ngành bất động sản, các bên được giao nhiệm vụ đã lập tức vào cuộc: Ngân hàng Nhà nước lo tháo gỡ khó khăn tín dụng, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn về trái phiếu… Về phía Bộ Xây dựng, ông Sinh cho biết, Bộ đã và sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án trong thẩm quyền và sớm đề xuất lên Chính phủ nhóm giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Tổ công tác đang gấp rút tổng kết những vấn đề, những điểm nghẽn của thị trường rút ra sau chuyến công tác vừa qua và sớm đề xuất các giải pháp gỡ khó lên Chính phủ”, ông Sinh cho biết.

Thực tế, ngay từ khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, Tổ công tác đã nhận được nhiều sự kỳ vọng của các thành viên thị trường bất động sản về việc “chẩn đúng bệnh” và “kê đúng thuốc” cho thị trường. Tuy nhiên, còn một yếu tố rất quan trọng nữa, theo các chuyên gia và doanh nghiệp là “thuốc cần uống đúng thời điểm”, bởi những khó khăn, suy thoái của thị trường, của doanh nghiệp càng để chậm ngày nào càng khó xử lý. Trong đó, một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là trong dịp Tết này, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp môi giới cho nhân viên “nghỉ Tết”… vài tháng trời hoặc tệ hơn là cắt giảm hàng ngàn nhân sự vì không có dự án để phát triển, không có sản phẩm để phân phối.

Ngay tại cuộc gặp gỡ cuối năm âm lịch của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) được tổ chức chiều qua (4/1/2023), dù trong một không khí đầm ầm, sum vầy nhưng trong mắt của những môi giới bất động sản không giấu được những nét “đượm buồn” về một năm có lẽ chưa từng có kể từ sau giai đoạn khủng hoảng tới nay. Các thành viên thị trường cho rằng, cơ quan quản lý cần có ngay lập tức các giải pháp nối liền những “đứt gãy” về dòng tiền, về nguồn cung và đặc biệt là “đứt gãy niềm tin”của khách hàng. Bài học từ việc Trung Quốc phải rất tốn kém để vực dậy thị trường bất động sản vẫn còn nguyên giá trị với thị trường Việt Nam.  

Chỉ trong 20 ngày cuối tháng 11/2022, các cơ quan quản lý hàng đầu của Trung Quốc đã bắn “ba mũi tên” – tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu và tài trợ vốn – nhằm phá vỡ lớp băng đã làm nguội lạnh ngành bất động sản nước này. Tiêu biểu nhất là Kế hoạch 16 điểm do Ngân hàng Trung ương và Ủy ban Quản lý Ngân hàng – Bảo hiểm Trung Quốc ban hành.

Theo đó, khoảng 60 ngân hàng của Trung Quốc đã hỗ trợ thanh khoản lên đến 4.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 573 tỷ USD) cho các doanh nghiệp bất động sản, trong đó chủ yếu là giãn nợ. Chiến dịch tỷ đô đánh dấu nỗ lực toàn diện của giới chức Trung Quốc nhằm giải cứu thị trường bất động sản quy mô 2.500 tỷ USD đang ngấp nghé bờ vực sau gần 2 năm “ngấm đòn” siết tín dụng.

Thị trường nhà đất Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021 khi chính sách “ba lằn ranh đỏ” được Bắc Kinh ban hành. Khi đó, hàng loạt doanh nghiệp, từ những “gã khổng lồ” như Evergrande đến các công ty được Chính phủ hậu thuẫn như CIFI Holdings, đều gặp khó về dòng tiền và trả nợ. Hậu quả là giá nhà tại Trung Quốc liên tục lao dốc, nhiều dự án đình trệ vì thiếu vốn, làn sóng ngừng trả nợ mua nhà bùng lên ở khắp nơi. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” buộc Trung Quốc phải “quay xe”, chuyển từ mục tiêu hạ nhiệt sang thúc đẩy thị trường.  

Dù vậy, sau 2 tháng được “hồi sức cấp cứu”, ngành địa ốc Trung Quốc vẫn chưa thể qua cơn nguy kịch. Doanh thu thị trường bất động sản Trung Quốc năm 2022 chỉ đạt 13.000 tỷ Nhân dân tệ – giảm 28% so với năm 2021. Đà lao dốc dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm 2023, đe dọa tăng trưởng của quốc gia tỷ dân trong bối cảnh “bão” COVID-19 còn đang hoành hành.

Bức tranh u ám của ngành địa ốc khiến Ngân hàng Phát triển châu Á phải hạ triển vọng tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ mức 3,3% (theo báo cáo hồi tháng 9) xuống còn 3%. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc chỉ đạt 4,3%, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 9/2022. 

Bất động sản vẫn luôn là trụ cột tăng trưởng của Trung Quốc. Sự sụp đổ của lĩnh vực then chốt này, nếu xảy ra, có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của “siêu cường” châu Á và làm rung chuyển nền kinh tế thế giới. Đó là lý do giới chức Trung Quốc phải ra sức “giải cứu” thị trường trước khi chính sách “lằn ranh đỏ” đi quá xa.

Dù vậy, giới quan sát đánh giá thị trường bất động sản Trung Quốc lúc này giống như một bệnh nhân đã nguy kịch trong khi liều thuốc lại đến quá muộn. Căn bệnh sẽ được đẩy lùi hay cơ thể sẽ bị quật ngã là điều chưa thể chắc chắn. Chỉ có một điều chắc chắn là nếu liều thuốc đó đến sớm hơn thì tốc độ phục hồi có thể đã nhanh hơn và di chứng cũng ít nặng nề hơn.

Hàng triệu lao động trông chờ giải pháp đột phá và kịp thời

Câu chuyện của Trung Quốc được nhiều chuyên gia xem là bài học đắt giá đối với Việt Nam.  TS. Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng bất động sản là một phần tất yếu và có vai trò vô cùng quan trọng trong một nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Đại đa số các hoạt động của loài người đều ở trên hoặc trong các bất động sản, tạo nên một “hệ sinh thái” các ngành nghề vây quanh. Phát triển các bất động sản sẽ tạo ra vòng xoáy thúc đẩy cả nền kinh tế đi lên.

“Trong bối cảnh hiện tại, các chính sách của Nhà nước cần làm sao để tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản không xảy ra”, vị chuyên gia khuyến nghị.





“Hệ sinh thái” ngành nghề vây quanh BĐS (Nguồn: TS. Huỳnh Thế Du)

Một nghiên cứu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019 – 2021 là khoảng 14%. Thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác. Theo tính toán, tỷ lệ tác động lan tỏa của bất động sản là 1,3 – 1,4, tức là 1% tăng trưởng bất động sản sẽ tạo ra 1,3 – 1,4% tăng trưởng của nền kinh tế.

Số liệu thống kê năm 2021 cũng cho thấy, tại Việt Nam, có 4,5 triệu người làm trong ngành xây dựng và 308.000 người làm trong ngành kinh doanh bất động sản, chiếm 10% tổng số việc làm của cả nước. Nếu tính tất cả số việc làm ở “hệ sinh thái” bất động sản thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều.

“Bất động sản đình trệ thì hàng triệu người sẽ mất việc, hàng loạt máy móc sẽ nằm không, hàng trăm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng sẽ rơi vào tồn kho, ứ đọng. Hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Trong tất cả các cuộc khủng hoảng của thế giới, đáng sợ nhất là khủng hoảng liên quan đến bất động sản vì nó sẽ kéo theo khủng hoảng tài chính. Lúc đó kinh tế suy thoái là điều chắc chắn”, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cảnh báo.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh nghiệm tại các nền kinh tế phát triển cho thấy, bất động sản lâm nguy có thể gây hiệu ứng domino, làm tăng nguy cơ nợ xấu và khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư. Khi đó, Nhà nước sẽ đưa ra các biện pháp, không đơn thuần là giải cứu mà nhằm ổn định và lành mạnh hóa thị trường.

Tuy nhiên, vị chuyên gia chỉ rõ không nên nhầm tưởng giải cứu thị trường với giải cứu doanh nghiệp bất động sản. Doanh nghiệp chỉ là một cấu phần của thị trường. Cả một “hệ sinh thái” ngành nghề với hàng triệu lao động mới là bài toán cấp bách đang cần lời giải từ các cơ quan quản lý. 

Các chuyên gia đặc biệt đánh giá cao việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Đây được ví như “phao cứu sinh” cho đầu tàu của nền kinh tế, với kỳ vọng lĩnh vực trọng điểm này sẽ không rơi vào “cơn bĩ cực” như tại Trung Quốc.  

“Cả thị trường, trong đó có hàng chục ngành nghề với hàng triệu lao động, đang trông mong vào các giải pháp mang tính đột phá của Tổ công tác. Và quan trọng hơn, các giải pháp phải được thực thi càng sớm càng tốt bởi đến muộn thì thuốc tốt đến mấy cũng khó cứu được người”, một chuyên gia phân tích. 

Source link

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments