Tại diễn đàn, ông Don Lam – Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital – đánh giá, kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng vững chắc, đạt con số ấn tượng. Tuy nhiên, thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam đang chứng kiến sự biến động mạnh, với nhiều lo ngại.
Theo ông Don Lam, hiện chỉ số VN-Index giảm khoảng 30%, chủ yếu do giá cổ phiếu bất động sản và ngân hàng giảm sâu. Đặc biệt, thị trường trái phiếu đột ngột lao dốc, với lượng phát hành trái phiếu giảm khoảng 50% so với năm ngoái. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản gần như “đóng băng ” do gặp vấn đề về thanh khoản.
“Những vấn đề này đã che phủ câu chuyện tăng trưởng kinh tế tích cực của Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm 2023 và vị thế của đất nước trong mắt các nhà đầu tư nếu không được giải quyết nhanh chóng”, ông Don Lam nói.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nếu giải quyết vấn đề thanh khoản cho DN bất động sản sẽ ổn định được thị trường chứng khoán. (Ảnh: Như Ý).
Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam tăng cường xử lý một số trường hợp vi phạm trong lĩnh vực trái phiếu, huy động vốn. Do đó, nếu giải quyết được vấn đề thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản sẽ lập tức ổn định được thị trường chứng khoán.
“Trong bối cảnh này, Việt Nam cần phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua một số hình thức bảo lãnh một phần trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Hiện, VNĐ đã mạnh lên đáng kể và lạm phát dần được kiểm soát, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Don Lam khuyến nghị.
Về dài hạn, theo ông Don Lam, Việt Nam cần đánh thuế trên giao dịch bất động sản cho người mua cuối cùng thay vì doanh nghiệp trả phí cố định.
Để đạt mục tiêu nguồn vốn trái phiếu/GDP tăng từ 11% lên 25% vào năm 2050, Việt Nam cần nâng cao năng lực của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và yêu cầu tất cả trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm.
“Việt Nam nên thành lập công ty bảo hiểm bảo lãnh trái phiếu do Chính phủ hỗ trợ, tương tự như Danajamin National Berhad ở Malaysia, tăng cường quy định bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời điều chỉnh khuôn khổ pháp lý đối với tổ chức ủy thác trái phiếu và yêu cầu bên ủy thác tham gia đảm bảo doanh nghiệp phát hành trái phiếu tuân thủ giao ước…”, ông Don Lam khuyến nghị.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay là khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường tài chính (Ảnh: Như Ý).
Ông Andrew Jeffries – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) – đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện tiềm ẩn lo ngại thanh khoản và niềm tin nhà đầu tư suy giảm. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ cần phát triển quỹ trái phiếu doanh nghiệp và quỹ hưu trí và thắt chặt yêu cầu với nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ông Andrea Coppola – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam – cho rằng, trong thời gian tới, các biến động trên thế giới diễn ra tương đối mạnh. Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đang trải qua thời kỳ suy yếu, nhất là việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm trầm trọng thêm những “cơn gió ngược” đối với các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển.
Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, phối hợp hài hòa c hính sách tiền tệ và tài khóa , giải quyết vấn đề thanh khoản của thị trường tài chính và bất động sản. Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường các khung chính sách giám sát và xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư.