Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa có quyết định đưa cổ phiếu ROS của Công ty Xây dựng FLC Faros, một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tập đoàn FLC vào diện đình chỉ giao dịch.
Theo quy định, tổ chức niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
Trường hợp tổ chức niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc đơn vị kiểm toán cấp trên có đơn vị kiểm toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính trong thời hạn 30 ngày.
Tuy nhiên, trong văn bản ngày 2/8, HoSE cho biết chưa nhận được báo cáo tài chính quý II/2022 của FLC Faros, đồng thời nhắc nhở và đề nghị công ty khẩn trương công bố theo quy định.
Bản thân cổ phiếu ROS cũng đang trong diện hạn chế giao dịch theo quyết định mới nhất ngày 25/5 nên rơi vào trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.
HoSE hiện chưa đưa ra ngày chính thức dừng giao dịch mã chứng khoán này.
Trước đó vài ngày, FLC Faros đã có công văn gửi HoSE xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý II bởi lý do bất khả kháng. Theo doanh nghiệp, báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Tuy nhiên, FLC Faros chưa thể phát hành báo cáo tài chính quý II theo đúng thời hạn do chưa được Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư Tp.Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Trong quá khứ, ROS từng có thời điểm tăng giá chóng mặt lên tới 188.000 đồng/cổ phiếu (năm 2017) nhưng sau đó rơi liên tiếp và khiến nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS thua lỗ nặng.
Sau khi giảm giá mạnh, ROS đi ngang trong vùng 2.500 đồng/cổ phiếu đến 4.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, năm 2021 mã này có dấu hiệu bứt phá mạnh. Mã này liên tục tăng điểm, tạo “sóng” chứng khoán. Đến ngày 10/1 năm nay đạt tới 17.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó rớt mạnh, mất khoảng 80% thị giá sau lùm xùm liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết.
Đây cũng là một trong những mã có yếu tố đầu cơ cao. Dù nhận xin xấu liên quan đến việc đình chỉ giao dịch, mã này vẫn tăng hết biên độ trong phiên giao dịch ngày 2/8, dừng tại mức 3.170 đồng/cổ phiếu.