Thứ năm, Tháng mười 10, 2024
Trang chủTIN TỨCDoanh nghiệp bất động sản lựa chọn “đi chậm” để vượt khó

Doanh nghiệp bất động sản lựa chọn “đi chậm” để vượt khó

Rate this post

Doanh nghiệp bất động sản lựa chọn “đi chậm” để vượt khó

Trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản chọn phương án đầu tư chậm, xử lý hàng tồn, cấu trúc lại nợ để vượt khó.




Khó khăn bủa vây

“Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, từ vấn đề pháp lý đến khó huy động vốn. Nếu tình trạng này kéo dài thì 5 năm nữa sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại”. Đây là lời than thở của một vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM khi được hỏi về tình hình kinh doanh trong thời gian gần đây.

Theo đó, vị này cho biết, để làm được dự án tại TP.HCM trong thời điểm này là rất khó, phần vì thủ tục kéo dài (khoảng 5 năm), phần vì giá đất tăng cao và các chi phí đầu vào khác đều tăng. Trong khi đó, việc giải ngân của ngân hàng cho các dự án cũng bị siết chặt, nên doanh nghiệp rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”.

“Giai đoạn 2007-2011 cũng từng rơi vào khó khăn do khủng hoảng tài chính. Nhưng năm nay khó khăn còn chồng chất hơn vì thị trường vừa vướng pháp lý, vừa không khơi thông được dòng vốn. Đáng lo ngại, hàng tồn kho hiện nay bán cũng chậm do room tín dụng cho khách hàng vay mua nhà bị hạn chế”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Đất đai quy định vốn sở hữu của doanh nghiệp địa ốc chỉ chiếm 15-20%. Còn 80-85% được huy động từ các kênh khác, gồm vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, từ tháng 4/2022 đến nay, việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp địa ốc.

“Tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình ô-xy của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở. Người mua nhà cũng vô cùng khó khăn”, Chủ tịch HoREA chỉ rõ.

Bà Võ Thị Hồng Mai, Phó tổng giám đốc Công ty Asian Holding thông tin thêm, bên cạnh những khó khăn trên, doanh nghiệp còn gặp khó trong việc chào bán hàng, bởi khách hàng lo ngại về thông tin ngân hàng siết tín dụng, khiến họ không dám xuống tiền mua nhà vì khó tiếp cận vốn vay.

“Rất mong ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, nới room tín dụng cho doanh nghiệp và cả khách hàng để thị trường có thể hồi phục lại trong 6 tháng cuối năm”, bà Mai kiến nghị.

Doanh nghiệp tính “đi chậm”

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cho hay, trong 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp này chọn phương án đầu tư chậm, chờ các chính sách pháp lý được giải quyết một cách thống nhất, đồng bộ. Doanh nghiệp cũng cắt giảm chi phí lãi vay để vượt khó chứ không mở rộng đầu tư.

Theo bà Loan, năm 2020-2021, kinh doanh bất động sản gặp nhiều trở ngại vì tác động của đại dịch. Sang năm nay, các vướng mắc pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ, cộng thêm khó khăn về nguồn vốn (tín dụng hẹp cửa do ngân hàng hết room cho vay, huy động trái phiếu bị tắc) khiến thị trường càng nhiều thách thức.

“Hiện nay đã giữa năm 2022, nhưng Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… vẫn chồng chéo nhau. Ba năm nay, nhiều dự án bị tắc vì không giải quyết được những vướng mắc pháp lý, nên năm nay chúng tôi không dám kỳ vọng nhiều, bởi lẽ không biết tình trạng bế tắc này còn kéo dài bao lâu”, CEO Quốc Cường Gia Lai chia sẻ.

Tương tự, bà Trần Thùy Linh, lãnh đạo một doanh nghiệp đang phát triển dự án căn hộ tại TP. Thủ Đức cho hay, trong đợt bán hàng giữa quý II vừa qua, vì thanh khoản kém nên Công ty quyết định tạm đóng rổ hàng để cấu trúc lại sản phẩm, thăm dò phản ứng của thị trường. “Công ty chọn phương án dừng mở bán các đợt tiếp theo vì lo ngại lãng phí nguồn lực và tiêu tốn chi phí marketing vô ích”, bà Linh nói.

Cũng vì không bán được hàng, Công ty cổ phần Địa ốc C.P.H đang bế tắc về dòng tiền phát triển dự án mới, đồng thời không có vốn để xoay vòng các khâu chuẩn bị quỹ đất, nên trong 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp này chủ động hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận xuống còn một nửa so với kế hoạch đề ra.

“Doanh nghiệp chọn giải pháp cắt giảm chi phí và tiết kiệm nguồn lực, chờ qua tháng 7 âm lịch, đến quý IV, tức mùa cao điểm bán hàng cuối năm, mới tính tiếp. Hiện vẫn chưa có tín hiệu lạc quan trong thời điểm này”, ông Phạm Hoàng Phát, đại diện Công ty cổ phần Địa ốc C.P.H cho biết.

Dưới góc độ là chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển phân tích, năm nay không phải là năm thuận lợi cho thị trường địa ốc, bởi hàng loạt khó khăn như vướng mắc pháp lý kéo dài, khó tiếp cận vốn vay, giá cao, thanh khoản đi xuống, lạm phát đang đè nặng thị trường. Chính vì vậy, từ quý II, các doanh nghiệp đã và đang có bước chuẩn bị để vượt khó trong 6 tháng cuối năm, trong khi giới đầu tư cũng có xu hướng thận trọng nhiều hơn. Đây là phản ứng bình thường và hợp lý khi thị trường có nhiều tín hiệu không thuận lợi.

Source link

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments