Hải Phát Thủ Đô đang thế chấp “toàn diện” Cienco 5
Vừa qua, sau khi Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký ban hành Quyết định số 4301/QĐ-UBND tạm dừng thực hiện Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định 3128/QĐ-UBND ngày 30/72008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) thì “cuộc chiến” pháp lý giữa 2 “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản là Tập đoàn Mường Thanh và Tập đoàn Hải Phát lại nóng lên.
Trở lại câu chuyện của nhóm Hải Phát tại Cienco 5, cuối tháng 3/2020, ngay sau khi nhận lô 40% cổ phần Cienco5 từ SCIC, Hải Phát Thủ Đô đã mang thế chấp toàn bộ tại CTCP HBI, và sau đó thế chấp tiếp 15,5% được cho là đã mua từ Công ty Nam Trí.
Bên cạnh đó, vào cùng thời điểm này Hải Phát Invest cũng thế chấp 15,5% cổ phần tại HBI. Tổng cộng, số cổ phần Cienco5 mà HBI nhận thế chấp từ nhóm Hải Phát lên tới 70%.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, Hải Phát Thủ Đô đã dùng hơn 10,1 triệu cổ phần thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô tại CIENCO 5 theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần số 091-2 ngày 20/08/2020 để thế chấp làm tài sản đảm bảo cho Ngân hàng TMCP Việt Á Chi Nhánh Hà Nội.
Đến tháng 4/2021, Hải Phát Thủ Đô tiếp tục đem hơn 24,3 triệu cổ phần thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô tại Cienco 5 theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần do Cienco 5 cấp ngày 24/05/2017, cập nhật tăng ngày 31/03/2020 cho Ngân hàng Tmcp Việt Á Chi nhánh Hà Đông.
Số cổ phần thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô với mã cổ đông là 091 và không phải là cổ phần của Hải Phát Thủ đô đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, hiện nay Hải Phát Thủ Đô đang dùng hơn 34,1 triệu cổ phần, tương đương hơn 77% cổ phần của Cienco 5.
Ở một diễn biến khác, đáng chú ý, dù tranh chấp liên quan đến Khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5 giữa 2 nhóm Mường Thanh và Hải Phát còn chưa ngã ngũ khi UBND TP. Hà Nội ra văn bản rồi lại tạm dừng để chờ thanh tra thì Hải Phát Thủ Đô lại đang dùng chính các quyền lợi liên quan đến Khu đô thị mới Mỹ Hưng – Cienco 5 làm tài sản bảo đảm thế chấp cho Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh Hà Đông.
Cụ thể, tháng 3/2021, Hải Phát Thủ Đô đã dùng toàn bộ các quyền tài sản của Bên bảo đảm bao gồm các khoản tiền, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm được hưởng theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 1803/2021/HTĐT/CIENCO5-HPTĐ ngày 18/03/2021 và các phụ lục kèm theo (nếu có) được ký giữa Bên bảo đảm và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5-CTCP về việc thực hiện hợp tác triển khai xây dựng dự án: “Khu đô thị mới Mỹ Hưng – Cienco 5” tại xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội làm tải sản đảm bảo cho Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh Hà Đông.
Quá trình chia lại “miếng bánh” mang tên Mỹ Hưng – Cienco 5
Năm 2020, nhóm Hải Phát nổi lên sau khi mua trọn lô 40% cổ phần vốn nhà nước tại Cienco 5 do SCIC sở hữu. Tuy nhiên, từ trước đó khá lâu, nhóm này đã “tia” doanh nghiệp này khi mua trọn lô hơn 23% vốn điều lệ của Cienco 5 do Bộ Giao thông Vận tải thoái vốn.
Cụ thể, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tháng 6/2014, Cienco 5 đã thực hiện việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Cty cổ phần với 3 cổ đông lớn là cổ đông nhà nước do Bộ GTVT làm đại diện quản lý vốn, chiếm hơn 63%, Công ty Nam Trí nắm giữ 15,5%, Công ty CP Việt Phương chiếm 15,5%. Nhóm cổ đông nhỏ lẻ khác chỉ chiếm hơn 5,8% cổ phần.
Từ năm 2015, Nhà nước tiếp tục thoái vốn tại Cienco 5 và Công ty CP Hải Phát đã mua được 23,18% vốn điều lệ của Cienco 5 trong đợt chào bán cổ phần tháng 3/2016. Công ty Hải Phát chính thức đăng ký sở hữu cổ phần và có tên trong sổ đăng ký cổ đông vào ngày 25/3/2016.
Ngoài việc mua số cổ phần trên của cổ đông nhà nước, Hải Phát được cho là đã mua lại 15,5% cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là Công ty Nam Trí. Khi đó, giao dịch này từng bị cho là đã vi phạm quy định của Nghị định 79/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty CP, trong đó quy định nhà đầu tư chiến lược phải gắn bó với công ty tối thiểu 5 năm.
Đến năm 2020, khi SCIC bán nốt 40% vốn nhà nước tại Cienco 5 thì nhóm Hải Phát đã “chắc chân” tại đây khi toàn bộ đội ngũ nhân sự cấp cao đều là “người nhà” của Hải Phát.
Sau khi sở hữu trọn lô 40% cổ phần của Cienco 5 từ tay SCIC, một trong những mục tiêu quan trọng được nhóm Hải Phát quan tâm nhất được cho là việc xúc tiến các động thái nhằm “chia lại miếng bánh lợi ích” tại dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây.
Theo đó, tại dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây, trong khi giai đoạn 1 từ Km00 đến Km19-900 đã hoàn thành và được Hà Nội đối ứng bằng KĐT Thanh Hà (đã về tay Tập đoàn Mường Thanh), thì giai đoạn 2 từ Km19+900 đến Km41+500 đã tạm dừng thực hiện từ năm 2015 đến nay.
Nếu được khơi thông, Cienco 5 sẽ được thanh toán bằng Khu đô thị Mỹ Hưng quy mô lên tới 182ha tại huyện Thanh Oai. Tại Bản cáo bạch niêm yết năm 2018, Hải Phát Invest cho biết dự án có tổng mức đầu tư 17.075 tỷ đồng, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đã giao đất, đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.
Tập đoàn Mường Thanh hiện nắm quyền kiểm soát Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) còn nhóm Hải Phát hiện kiểm soát Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5).
Về Cienco 5 Land, trước đây được Cienco 5 công bố là công ty con và là doanh nghiệp dự án thực hiện dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT.
Trong khi dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây đến nay vẫn còn đang còn dở dang, luôn là trọng tâm khiếu nại của cử tri thành phố Hà Nội nhiều năm thì các các dự án khác để hoàn vốn dự án BT đã được tập trung triển khai tương đối thành hình với 2 Khu đô thị Thanh Hà A và B (Tập đoàn Mường Thanh triển khai) và KĐT mới Mỹ Hưng – Cienco 5.
Như vậy, cả 2 ông lớn Mường Thanh và Hải Phát, từ những doanh nghiệp bên ngoài đã thông qua nhiều con đường để tiến vào Cienco 5 nhằm hướng đến những dự án mà Cienco 5 đang triển khai, trong đó “miếng bánh ngon” nhất có thể nói là các dự án khác để hoàn vốn dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây.