Thứ năm, Tháng mười 10, 2024
Trang chủTIN TỨCKích thanh khoản, cứu thị trường bất động sản

Kích thanh khoản, cứu thị trường bất động sản

Rate this post

Để hâm nóng thị trường, việc kích thanh khoản là vấn đề cấp thiết, nhất là phân khúc phục vụ cho nhu cầu ở thực.





Để kích thanh khoản, nhiều công ty địa ốc đã giảm sâu giá sản phẩm
Để kích thanh khoản, nhiều công ty địa ốc đã giảm sâu giá sản phẩm.

Hạ giá để kích thanh khoản

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra nhận định bi quan về thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2022. Theo đó, thị trường có khả năng rơi vào suy thoái. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ.

Trước tình hình đó, HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần tín dụng thêm 1 – 2% để cấp thêm khoảng 100.000 – 200.000 tỷ đồng hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa bày tỏ, ông không hy vọng kiến nghị này sẽ được thông qua, bởi một trong những thông điệp phát đi rất rõ là nỗ lực kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Chưa kể, trong bối cảnh hiện nay, việc bơm thêm tín dụng cho các ngành sản xuất, kinh doanh đã khó, chưa nói tới bất động sản.

Không thể trông chờ vào dòng tiền tín dụng, để tồn tại, chờ cơ hội thị trường hồi phục, các doanh nghiệp chỉ có con đường duy nhất là chấp nhận hy sinh lợi nhuận.

Theo các doanh nghiệp, cần khoanh vùng những sản phẩm rủi ro cao và nhận diện các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, pháp lý đầy đủ và an toàn, để ưu tiên giải pháp hỗ trợ về thủ tục pháp lý và nguồn tài chính ổn định trong dài hạn, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp được vay vốn để mua nhà.

Mới đây, một chủ đầu tư bất động sản lớn tại TP.HCM đã tung chính sách ưu đãi tới gần 50% đối với những khách hàng mua nhà phố, shophouse, biệt thự tại một dự án đại đô thị ở Đồng Nai. Có tới 6 chính sách ưu đãi được phép cộng dồn, trong đó ưu đãi thanh toán nhanh chiết khấu tới 30%, còn lại là chính sách cam kết thuê lại, voucher, gói quà tặng nội thất…

Theo đó, với một căn shophouse có diện tích 195 m2 có giá niêm yết 15,3 tỷ đồng, khi cộng tất cả các chính sách ưu đãi, giá bán sẽ chỉ còn 7,8 tỷ đồng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Với chính sách này, một căn shophouse hoàn thiện cơ bản mặt ngoài và phần thô bên trong niêm yết 13,1 tỷ đồng, nhưng sẽ chỉ còn 6 tỷ đồng nếu khách thanh toán 95%.

Tại các dự án của Tập đoàn An Gia, chủ đầu tư đưa ra chính sách khuyến mãi khá thoáng khi khách hàng mua nhà phố chỉ cần thanh toán trước 15%, sau đó thanh toán theo tiến độ từ 2%/tháng trong 18 tháng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng tăng chiết khấu 2% cho cổ đông hoặc khách hàng tại một số khu vực, chiết khấu 1% cho khách hàng thân thiết.

Các chủ đầu tư lớn khác như Hưng Thịnh, Phú Long, Phúc Đạt… cũng đang có kế hoạch mở bán dịp cuối năm với những chương trình ưu đãi lớn, thậm chí khuyến mãi, chiết khấu đến 50% giá trị sản phẩm nếu khách hàng thanh toán ngay 95% giá trị bất động sản.

“Thời điểm này, than vãn không giải quyết được gì, mà thay vào đó, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau tính toán giá bán, chính sách bán hàng, chi phí cho các bên để cùng nhau vượt qua thử thách”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Group chia sẻ.

Hướng đến nhu cầu ở thực

Có thể thấy, từ cuối quý III/2022 đến nay, các doanh nghiệp địa ốc đang nỗ lực để kích thanh khoản bằng cách chiết khấu, giảm giá sâu. Chiêu thức này giúp doanh nghiệp giải quyết được cả 3 bài toán: tăng tính thanh khoản; giảm nguồn hàng tồn kho; có một phần vốn để trang trải chi phí và đầu tư hoàn thành các dự án dở dang.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc, chỉ doanh nghiệp nỗ lực thôi chưa đủ. “Thủ thuật của doanh nghiệp chỉ là một phần, cần thêm sự can thiệp của Chính phủ về kích cầu, như hỗ trợ cho người có nhu cầu ở thực được vay vốn mua nhà, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, bởi đây vẫn là phân khúc mà thị trường đang rất cần”, vị này nói và nhấn mạnh, muốn thị trường tươi sáng phải quay lại thị trường gốc, đó là phân khúc hướng đến nhu cầu ở thực.

Thực tế đã chứng minh, việc sở hữu một ngôi nhà để ở là nhu cầu rất lớn của người dân, nhất là phân khúc vừa túi tiền. Những doanh nghiệp chuyên phát triển dòng sản phẩm này vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt, trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành chật vật bán hàng, thậm chí cả quý không ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi.

Đại diện Công ty Nam Long – doanh nghiệp chuyên phát triển các sản phẩm nhà ở giá thấp cho biết, những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng, song doanh nghiệp tự tin với chiến lược phát triển nhà ở giá hợp lý. Sản phẩm không chỉ được khách hàng chào đón, mà còn nhận được sự ủng hộ từ các ngân hàng kể cả trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị thắt chặt.

“Cả 3 dự án chúng tôi đang triển khai ở TP.HCM và Long An đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ khả quan. Nhìn lại 3 quý của năm, doanh số bán hàng đã đạt khoảng 9.900 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Riêng trong quý III, Công ty có gần 3.800 tỷ đồng do người mua trả tiền trước, tăng 56% so với đầu năm. Khoản tiền này là khách hàng đặt cọc mua sản phẩm, sẽ được ghi nhận thành doanh thu, lợi nhuận khi dự án đủ điều kiện bàn giao”, đại diện Nam Long nói.

Theo ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty SeaHoldings, mặc dù vẫn biết kiến nghị nới thêm 1 – 2% room tín dụng sẽ rất khó, song ông cũng kỳ vọng Chính phủ có thể cân nhắc, dù không tạo ra sự đột biến cho thị trường, nhưng trong ngắn hạn sẽ làm tăng thêm niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.

“Hiện nay, dù doanh nghiệp có bán được nhà, khách hàng đặt cọc, thậm chí đóng đến 30% giá trị sản phẩm, nhưng nhiều ngân hàng lại không giải ngân vì lý do cạn room, khiến người mua nhà điêu đứng, mà kênh gọi vốn quan trọng này của doanh nghiệp cũng bị tắc”, ông Phương phân tích.

Source link

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments