Nhu cầu an cư của các gia đình trẻ, lao động tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM là rất lớn, nhưng với việc giá nhà không ngừng tăng cao, khiến đây mãi là giấc mơ xa vời.
Người lao động có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhưng các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp còn rất khiêm tốn. Trong ảnh: Khu nhà ở công nhân tại Bình Dương |
Giấc mơ an cư
Trong căn nhà nhỏ tại Khu dân cư Lê Thành An Lạc (nhà ở xã hội của Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành trên đường Lê Tấn Bê, quận Bình Tân, TP.HCM), vợ chồng anh chị Phạm Trung Hiếu – Tạ Thị Trang đang chuẩn bị bữa tối. Nhìn con gái phụ giúp ba nhặt rau, chị Trang cười hạnh phúc và chưa thể tin rằng vợ chồng chị đã mua được nhà ở TP.HCM chỉ với mức lương ba cọc ba đồng.
Theo lời kể của chị Trang, sau khi kết hôn và sinh con gái đầu lòng, vợ chồng chị lên TP.HCM lập nghiệp. Những ngày đầu lên thành phố, công việc của hai vợ chồng chưa ổn định, tiền lương thấp nên phải thuê căn phòng trọ chật hẹp chỉ 18 m2 để ở. “Phòng trọ nhỏ, mái tôn, nắng nóng, đến bữa ăn cũng khổ khi cả gia đình đánh vật, mồ hôi chảy ròng trên má. Mùa mưa đến, nhà dột, nền luôn ẩm ướt, con hẻm trước khu trọ lênh láng nước”, chị Trang kể.
Cuối năm 2019, biết thông tin dự án nhà ở xã hội tại quận Bình Tân đang được bán với giá khoảng 500 triệu đồng/căn, anh chị bàn bạc rồi vay mượn họ hàng hai bên để có 100 triệu đồng trả cho đợt đầu tiên và góp 6 triệu đồng mỗi tháng. Đầu năm 2020, cả gia đình chính thức được nhận nhà. “Căn hộ tuy nhỏ, nhưng là tài sản và tổ ấm của hai vợ chồng. Đêm trước ngày nhận nhà, vợ chồng tôi không thể ngủ được vì quá vui sướng. Sau bao cố gắng, cả hai mới sở hữu một mái ấm riêng, chính thức tận hưởng cuộc sống của người có nhà”, chị Trang cười nói.
Không phải ai cũng may mắn như vậy. Anh Nguyễn Trọng Hoàng (quê Thanh Hóa), là công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung (TP. Thủ Đức) chia sẻ, gia đình anh thuê trọ nhiều năm và có dự định tích góp để mua nhà ở xã hội, nhưng nhiều năm qua, khu vực anh sống không có dự án nào được khởi công. “Tôi cũng tìm hiểu một vài dự án nhà ở xã hội ở nơi khác, song giá bán quá cao, cộng với đi lại không tiện nên lại thôi”, anh Hoàng than thở.
Trường hợp của anh Hoàng khá phổ biến. Giá nhà ở thương mại tại các thành phố lớn đã neo ở mức khá cao, trong khi đó, những dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp còn vô cùng khiêm tốn.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn. Hiện đang triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích hơn 22 triệu m2. Song con số này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.
Cần cơ chế để “phá băng”
Nhu cầu an cư của các cặp gia đình trẻ, lao động trẻ tại các thành phố là rất lớn. An cư thì mới lạc nghiệp, nhưng việc phát triển dự án nhà ở cho những cặp gia đình trẻ, người có thu nhập trung bình lại không hề dễ dàng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành chia sẻ, dù rất tâm huyết với việc phát triển nhà ở cho người lao động có thu nhập trung bình, nhưng công ty gặp không ít khó khăn. Thậm chí, thủ tục làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội còn lâu hơn thủ tục làm nhà ở thương mại.
“Hiện nay, làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội không có một quy trình riêng, quy chuẩn riêng. Doanh nghiệp còn bị làm khó đủ đường, kiểm tra kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn so với nhà ở thương mại. Thông thường, làm nhà ở thương mại thì thủ tục pháp lý 3 năm, thêm 2 năm xây dựng là 5 năm hoàn thành xong dự án. Trong khi đó, làm nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, 5 năm chưa xong thủ tục, còn bị làm khó nên chả mấy doanh nghiệp muốn làm”, ông Nghĩa cho hay.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những vướng mắc về quy định pháp luật thì ngân sách trung ương cũng chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi, nhiều địa phương và doanh nghiệp sản xuất chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động…
Để tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội, mới đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị Trung ương cần tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội và các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở được vay mua nhà.
Cụ thể, TP.HCM đề xuất cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý, do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp, cũng như quỹ đất do các cơ quan nhà nước đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Cùng với đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần thiết bổ sung quy định về quy trình xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước…