[ad_1]
Hầu hết các vụ ngã, rơi từ cửa sổ hay ban công đều liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi. Tai nạn này thường gây ra các loại thương tích nghiêm trọng như chấn thương đầu, gãy xương ở vai, cánh tay hoặc thậm chí là tử vong. Độ cao cũng không phải là rủi ro duy nhất: đe doạ từ những người có hành vi xấu, hay ngay cả xác suất đi lạc cũng là những hiểm hoạ khó lường. Chỉ một phút sơ sểnh và để bé vào thang máy, bạn và đặc biệt là bé đều sẽ không thể biết rằng bé sẽ kết thúc (và đi ra) ở tầng nào, việc tìm con thậm chí còn khó khăn hơn cả trong không gian phẳng dưới mặt đất.
Nói vậy không có nghĩa là nhà chung cư không hợp với trẻ nhỏ, điều quan trọng là ba mẹ hoặc người lớn trong gia đình không nên chủ quan khi sống ở chung cư hoặc nhà cao tầng. Cần chú ý đến các phương pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng, để những căn nhà chung cư thực sự trở thành tổ ấm cho các thế hệ, từ lớn tới bé.
Những căn chung cư chứa đựng nhiều rủi ro với trẻ nhỏ, nhưng không phải là không thể phòng tránh được.
Ảnh: AD Magazine
Các nguyên tắc chung về an toàn chung cư mà bố mẹ cần nắm rõ
Mặc dù các tòa chung cư hiện nay đều được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn cao, cũng như có các quy định liên quan đến việc giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, đôi lúc, thiết kế chung của các chung cư vẫn có thể không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các gia đình có trẻ nhỏ. Vì vậy, điều quan trọng là ba mẹ nên chủ động thay đổi, cải tạo không gian sống nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng.
Không gian trong nhà
Hãy đảm bảo mình đang sống trong một căn nhà có các yếu tố sau đây:
- Thiết kế lan can an toàn: Đối với lan can, bạn cần đảm bảo lan can được thiết kế có chiều cao ít nhất là 1m4 với thanh chắn được đặt theo chiều dọc, tránh đặt theo chiều ngang sẽ tạo thành bậc thang để trẻ em leo trèo ra ngoài rất nguy hiểm. Nếu lan can của chung cư quá thấp, cách tốt nhất là bạn nên rào thêm lưới chống ngã – loại lưới này hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng cứu hộ cứu nạn khi gặp sự cố. Lưới chống ngã là các sợi bằng vật liệu nhẹ, sẽ tương đối cứng khi được căng mạnh và không cho phép bé trèo qua dù có chủ động. Tuy nhiên, khi có sự cố cần thoát hiểm, chúng có thể dễ dàng cắt bỏ chỉ bằng kéo hoặc dao thông thường, hoặc đôi lúc là lực kéo rất mạnh bằng tay. Chúng được xem là giải pháp “trung hòa” khi vẫn có thể bỏ đi khi sự cố PCCC xảy ra.
- Cửa sổ có cấu tạo phù hợp: Với cửa sổ của chung cư cao tầng, việc lắp song chắn hay lồng bảo vệ cứng sẽ ảnh hưởng đến quy định về PCCC chung, vậy nên hãy ưu tiên sử dụng kính cường lực chắc chắn, kèm theo đó là khoá cài ở vị trí cao và đòi hỏi thao tác trẻ nhỏ không thể tự làm được. Bạn cũng có thể cân nhắc lắp lưới an toàn ở cửa sổ nếu kích thước cơ thể của con bạn vẫn có thể lọt qua cửa chớp.
- Sắp xếp nội thất thông minh: Gia đình không nên đặt bàn ghế, tủ, giường, chậu cây… gần cửa sổ hoặc lan can để tránh việc trẻ trèo lên những đồ vật này và rơi ra bên ngoài.
Bên cạnh những yếu tố an toàn trong không gian sống, còn có những nguyên tắc liên quan đến ý thức tự thân cũng như sự chú ý của cha mẹ mà bậc phụ huynh nào cũng cần nắm rõ và thực hành với con cái.
Bản thân trẻ nhỏ cũng cần được giáo dục cách tự giữ an toàn cho bản thân ngay từ nhỏ, dứoi sự giám sát của cha mẹ.
Ảnh: WFSU
Không gian ngoài nhà
Bạn cũng cần “quét” không gian nội khu và dự đoán những gì có thể ảnh hưởng đến an toàn của trẻ: những cánh cửa không được phép tò mò (đặc biệt là cửa thang máy hay cửa thoát hiểm, nếu bé chưa đủ tuổi phân biệt được các tầng nhà và sử dụng thang máy); những lối đi vắng người không nên đi; sân chơi chung chỉ được phép chơi khi có sự giám sát của người lớn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng, người lớn phải luôn giám sát, trông coi trẻ cẩn thận, tránh tuyệt đối việc để trẻ ở nhà một mình, đặc biệt là với các bé dưới 6 tuổi. Khi trẻ bắt đầu có nhận thức và ghi nhớ được, bạn nên trò chuyện và giáo dục con về những nguy hiểm có thể xảy ra khi sống ở chung cư.
Từ những rủi ro ở trong nhà như việc thường xuyên nhắc nhở trẻ không được leo trèo, chạy nhảy, chơi đùa ngoài ban công hoặc ở cầu thang thoát hiểm để tránh rủi ro té ngã đến việc hướng dẫn những kỹ năng cơ bản như không nghe theo người lạ ở các sân chơi chung, biết cách đọc tên khu nhà mình đang sống… đều cần được bố mẹ thường xuyên dạy cho trẻ. Cuối cùng, việc tham gia các nhóm cộng đồng cư dân cũng góp phần không nhỏ vào việc này: không chỉ biết được những chuyện nhỏ to quanh mình, mà việc chia sẻ những kinh nghiệm trong cùng một khu vực sống, hay cảnh báo sớm những rủi ro tiềm tàng là thứ bạn có thể nhận được trong hàng ngàn tin nhắn mỗi ngày.
[ad_2]
https://onehousing.vn/thong-tin-va-doi-song/nguoi-moi-voi-chung-cu-tre-nho-can-chu-y-nhung-dieu-gi