[ad_1]
Để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, chứng khoán, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có thông tin tình hình thị trường chứng khoán thời gian vừa qua. Cơ quan này cho rằng, biến động thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế.
Cụ thể, sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch Covid19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong năm 2022, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành thêm 3,75 điểm % qua 6 lần điều chỉnh liên tiếp, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ tháng 12/2021, lên mức 2,25%/năm; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm nay…
Ảnh minh họa
Theo Ủy ban Chứng khoán, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro “suy thoái – lạm phát” ở một số quốc gia. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023
Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động.
Trong nước, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của FED, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo cơ quan quản lý chứng khoán, thị trường đã tăng mạnh trong năm 2021 đến quý 1/2022. Do đó, khi xuất hiện các yếu tố không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.
Ngoài ra, việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.
“Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế – chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới”, Ủy ban Chứng khoán cho biết
Để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp như đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, chứng khoán, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
[ad_2]
Source link